Facebook đang phải đối mặt với hàng loạt vấn đề nghiêm trọng từ sự sụt giảm người dùng facebook, giảm doanh thu cho đến các vụ bê bối chồng chất.
Tháng 10/2021, Frances Haugen, cựu Giám đốc sản phẩm của Facebook, đã gửi hàng chục nghìn tài liệu nội bộ của Facebook cho Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC), cũng như tờ báo The Wall Street Journal, để vạch trần những chuyện “thâm cung bí sử” của mạng xã hội này.
Frances Haugen đã cáo buộc công ty cũ của mình “gây hại cho sức khỏe tâm thần của người dùng facebook trẻ, gây chia rẽ và ảnh hưởng đến nền dân chủ”. Haugen còn ví các sản phẩm của Facebook giống như chất gây nghiện đối với trẻ em và khẳng định rằng nền tảng này đề cao lợi nhuận hơn lợi ích của cộng đồng.
ĐỔI TÊN NHẰM LÀM MỚI THƯƠNG HIỆU
Giữa cơn bão chỉ trích của dư luận, Mark Zuckerberg đã bất ngờ tuyên bố đổi tên Facebook thành Meta. Đồng thời, công ty sẽ chuyển trọng tâm chiến lược sang xây dựng metaverse (vũ trụ ảo). Khi đó, nhiều chuyên gia cho rằng mạng xã hội này có thể đang tìm cách để đánh lạc hướng sự chú ý của dư luận.
Trong nhiều năm, News Feed đã trở thành trung tâm trải nghiệm đối với người dùng Facebook. Đây cũng là trung tâm của những cuộc tranh cãi. Đến tháng 2 vừa qua, công ty tiếp tục chiến dịch làm mới thương hiệu của họ bằng cách đổi tên nó thành Feed.
Chưa dừng lại ở đó, các nhân viên của công ty trước đây được gọi với cái tên Facebooker, thì giờ đã trở thành Metamates. Ngoài ra, hàng loạt giá trị doanh nghiệp khác của công ty cũng được làm mới.
Mark Zuckerberg, người đồng sáng lập và Giám đốc điều hành của công ty, cho biết những thay đổi này là vô cùng cần thiết bởi vì “chúng tôi hiện là một công ty metaverse, xây dựng tương lai kết nối cho xã hội”.
“Chúng tôi đã tạo ra các sản phẩm hữu ích cho hàng tỷ người dùng trên thế giới. Trong chương tiếp theo, chúng tôi sẽ tập trung nhiều hơn vào việc truyền cảm hứng cho mọi người”, Zuckerberg viết.
Những thay đổi này phần nào cho thấy sự háo hức của công ty trước mục tiêu mới, cùng với đó là kỳ vọng về một tương lai tươi sáng, ít gây tranh cãi hơn. Tuy vậy, bất chấp những nỗ lực “sống trong tương lai” của Zuckerberg và Meta, giới chuyên gia nhận định rằng gã khổng lồ này có thể vẫn sẽ phải vật lộn với nhiều vấn đề đã tồn tại từ trước.
Quảng cáo – hoạt động kinh doanh cốt lõi của Facebook đang phải đối mặt với các mối đe dọa từ hàng loạt gã khổng lồ công nghệ lớn khác. Nền tảng này cũng đang phải vật lộn với sự giám sát chặt chẽ của các quy định về việc xử lý thông tin sai lệch.
Trong thời gian dài, Zuckerberg và Facebook luôn tìm ra cách vượt qua các bê bối và khủng hoảng nhờ khả năng phục hồi của cổ phiếu sau mỗi lần sóng gió. Công ty này có thể khiến nhiều người dùng phẫn nộ, nhưng vẫn nhận được lòng tin từ các nhà đầu tư do giá cổ phiếu liên tục tăng theo thời gian. Tuy nhiên, tình hình không còn như trước khi cổ phiếu của Meta đã giảm hơn 40% trong 6 tháng qua.
“Phố Wall và các nhà đầu tư đã bắt đầu nhận thấy hoạt động kinh doanh cốt lõi của Facebook không còn tăng trưởng nữa. Thậm chí, nó có thể bị suy giảm vào một thời điểm nào đó”, Gil Luria, chiến lược gia công nghệ tại công ty đầu tư DA Davidson cho biết.
NHƯNG VẪN KHÔNG THỂ THOÁT KHỎI VẤN ĐỀ CŨ
Các thay đổi và định hướng của Meta thể hiện tầm nhìn của công ty về một thế giới ảo hoàn toàn mới. Tuy vậy, gã khổng lồ công nghệ này vẫn đang phải tiếp tục đối mặt với các vấn đề chồng chất trong thế giới thực.
Vào ngày 18/2, Frances Haugen đã tiếp tục đệ đơn khiếu nại mới lên SEC, với các cáo buộc liên quan đến hoạt động xử lý thông tin sai lệch của Meta. Theo CNN, các khiếu nại mới cho rằng công ty đã gây hiểu nhầm cho các nhà đầu tư về nỗ lực giải quyết thông tin sai lệch trên nền tảng của họ.
Cụ thể, Facebook đã nhiều lần bỏ qua những quảng cáo chứa thông tin sai lệch về Covid-19 và biến đổi khí hậu. Chưa dừng lại, công ty còn ngó lơ trước lo ngại của nhân viên rằng những nội này có thể dễ dàng xuất hiện trên các nền tảng của họ.
“Một số nhà đầu tư sẽ không muốn đầu tư vào một công ty không thể giải quyết triệt để những thông tin sai lệch như vậy”, thông tin được ghi trong hồ sơ gửi lên SEC.
Thông tin trên xuất hiện chỉ vài ngày sau khi Meta thua một vụ kiện khác kéo dài từ năm 2012 và phải trả số tiền bồi thường lên đến 90 triệu USD. Vụ kiện này cáo buộc công ty theo dõi người dùng ngay cả khi họ đã đăng xuất khỏi tài khoản của mình.
Cụ thể, đơn kiện tố cáo rằng Facebook đã sử dụng một chương trình mở rộng (plug in) nhằm lưu trữ cookie trên trình duyệt, từ đó thu thập thông tin về việc truy cập của người dùng đến các trang web khác.
Về phần mình, Facebook tiếp tục phủ nhận các hành vi sai trái, nhưng cho biết họ quyết định bồi thường để tránh các chi phí và rủi ro của một phiên tòa.
“Việc giải quyết là vì lợi ích tốt nhất của cộng đồng và các cổ đông của chúng tôi. Chúng tôi vui mừng vì đã vượt qua vấn đề này”, Drew Pusateri, phát ngôn viên của Meta chia sẻ.
Bên cạnh số tiền bồi thường khổng lồ, Facebook cũng được yêu cầu phải xóa toàn bộ dữ liệu mà họ đã thu thập từ người dùng một cách trái phép.
Chưa dừng lại ở đó, vấn đề lớn nhất mà Meta sẽ phải đối mặt trong thời gian tới là những thay đổi trong chính sách của Google. Cụ thể, vào ngày 17/2, Google đã đưa ra thông báo sẽ áp dụng những thay đổi về quyền riêng tư mới nhằm hạn chế việc theo dõi của các ứng dụng trên thiết bị Android.
Trước đây, mỗi thiết bị Android sẽ có một ID riêng. Thông qua đó, các nhà quảng cáo có thể theo dõi thói quen của người dùng, từ đó phân bổ quảng cáo nhắm mục tiêu chính xác hơn. Tuy vậy, với những thay đổi mới, người dùng có thể chọn không tham gia quảng cáo bằng cách xóa bỏ ID này.
Theo Business Insider, khi được triển khai, thay đổi này sẽ có tác động lớn đến lợi nhuận của các doanh nghiệp hoạt động dựa vào quảng cáo kỹ thuật số như Meta.
Năm ngoái, sau khi Apple thực hiện những thay đổi của họ, hơn 95% người dùng iPhone đã từ chối ứng dụng theo dõi quảng cáo. Thay đổi của Apple đã tác động mạnh mẽ đến ngành quảng cáo kỹ thuật số. Ước tính, Facebook sẽ thiệt hại khoảng 10 tỷ USD doanh thu trong năm 2022 từ những thay đổi này.
“Hoạt động kinh doanh của Meta phụ thuộc vào doanh nghiệp nhỏ. Dựa vào những thông tin thu thập được từ người dùng, công ty có thể nhắm mục tiêu quảng cáo hiệu quả hơn. Nếu không có các yếu tố này, nhà quảng cáo sẽ không trả nhiều tiền cho Meta”, Scott Kessler, chuyên gia tại Third Bridge Group nhận định.
Việc giá cổ phiếu của Meta liên tục giảm trong thời gian qua đã khiến cho khối tài sản của Mark Zuckerberg sụt giảm mạnh. Theo Forbes, khối tài sản của Zuckerberg hiện ước tính đạt 79,7 tỷ USD, xếp thứ 15 trong số những người giàu nhất thế giới. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2015, Mark Zuckerberg bị “đá văng” khỏi top 10 tỷ phú của thế giới.
NGƯỜI DÙNG DẦN RỜI XA FACEBOOK
Báo cáo tài chính mới nhất của công ty truyền thông BuzzFeed chỉ ra rằng người dùng đang dần rời xa Facebook. Điều đó đã gây ra một số ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của họ. Theo số liệu của BuzzFeed, thời gian người dùng dành cho các nội dung của công ty này đã giảm 4% trong quý IV/2021 so với cùng kỳ năm trước. Sự sụt giảm này được cho là do lượng người dùng Facebook đang ít dần.
“Vào thời điểm này, chúng tôi nhận thấy rằng người dùng đang dành ít thời gian hơn trên Facebook”, Felicia DellaFortuna, CFO của BuzzFeed, cho biết.
Thông tin trên được đưa ra sau khi Meta thông báo về số người dùng hoạt động hàng ngày của Facebook đã giảm nhẹ trong quý vừa qua, ở mức 1,92 tỷ người. Đây là lần đầu tiên mạng xã hội đình đám gặp phải tình trạng này.
Theo các báo cáo, có khoảng 500.000 người đã giảm thời gian sử dụng người dùng facebook hoặc rời bỏ nền tảng này. Điều đó cho thấy Facebook đã phát triển đến giai đoạn bão hòa trên toàn cầu và không còn khả năng gia tăng thêm người dùng.
Ứng dụng Facebook cũng đang phải chịu sức ép cạnh tranh gay gắt từ nhiều đối thủ đáng gờm. Trong đó, nổi bật nhất là TikTok – nền tảng chia sẻ các video định dạng ngắn. Gần đây, Facebook đã ra mắt tính năng video dạng ngắn của riêng họ với tên gọi Reels như một nỗ lực giữ chân người dùng.
“Người dùng hiện có rất nhiều lựa chọn để sử dụng thời gian của mình. Các ứng dụng như TikTok đang phát triển rất nhanh chóng. Và đây là lý do tại sao sự tập trung của chúng tôi vào việc phát triển Reels lại rất quan trọng trong dài hạn”, Mark Zuckerberg cho biết trong buổi họp với các nhà đầu tư của Meta.
Chưa dừng lại ở đó, theo một báo cáo vừa được công bố bởi tờ Washington Post, Meta đã trả tiền để thuê Targeted Victory, một công ty tư vấn chiến lược và truyền thông, để thực hiện một chiến dịch truyền thông nhằm bôi xấu và “dìm hàng” các mạng xã hội đối thủ, đặc biệt là TikTok.
Cụ thể, Meta và công ty này muốn đưa ra một thông điệp rằng TikTok là mối đe dọa nguy hiểm đối với trẻ em tại Mỹ. Đặc biệt khi đây là ứng dụng thuộc sở hữu nước ngoài nhưng lại đứng đầu trong việc nắm dữ liệu của thanh thiếu niên tại Mỹ.
Đây không phải là lần đầu tiên Facebook bị “tố” chơi xấu đối thủ cạnh tranh. Trước đó, Facebook cũng đã bị cáo buộc sử dụng sức mạnh và tầm ảnh hưởng của mình để cạnh tranh không lành mạnh với các công ty mới thành lập trên thị trường mạng xã hội, sau đó chi tiền để thâu tóm luôn các đối thủ cạnh tranh. Hai nền tảng Instagram và WhatsApp là những ví dụ minh họa tiêu biểu cho chiến lược này của Facebook.
Nội dung: Thế Anh – Thiết kế: Nguyễn Vượng
17/04/2022 – Nguồn bài viết: https://dantri.com.vn/suc-manh-so/
LIÊN HỆ VỚI EDU AGENCY
Edu Agency – Công ty dịch vụ Marketing &Truyền thông chuyên lĩnh vực Giáo dục đầu tiên tại Việt Nam.
- Website: eduagency.com.vn
- Email: info@edugency.com.vn
- Hotline: 081 268 3188 – 0988 603 111 – 0922 603 111
Edu Agency đồng hành cùng tổ chức giáo dục thực hiện những ước mơ, triết lý giáo dục.